Người Hi Lạp tiễn biệt dược sĩ Dimitris Christoulas trong đám tang hôm 7-4. Ông đã tự sát để phản đối việc bị cắt lương hưu - Ảnh: Reuters |
Ngày 4-4, chủ một công ty xây dựng ở thủ đô Rome đã nổ súng tự sát. Người đàn ông 59 tuổi này để lại thư tuyệt mệnh, trong thư ông xin lỗi mọi người thân trong gia đình và giải thích nguyên nhân khiến ông tự tìm đến cái chết là do doanh nghiệp của ông đã phá sản.
"Dịch tự sát" ở Ý
Đó không phải là trường hợp đầu tiên và hi hữu. Một ngày trước, một thợ làm khung tranh treo cổ tự tử vì khó khăn tài chính. Một tuần trước đó, hai người đàn ông ở miền bắc nước Ý tự thiêu cũng vì quá túng quẫn. Họ sống sót nhưng bị bỏng nặng. Một người là chủ doanh nghiệp 58 tuổi. Ông ta đã ngồi trong ôtô và châm lửa ngay trước trụ sở cơ quan thuế vụ thành phố Bologna. Ông tìm đến cái chết để phản đối việc chính quyền địa phương buộc ông trả nợ thuế và đơn kháng cáo của ông bị bác bỏ. Còn người thứ hai là một công nhân xây dựng 27 tuổi tự thiêu trước cửa toà thị chính thành phố Verona để phản đối việc công ty đã không trả lương cho anh suốt bốn tháng qua.
Theo nhật báo Corriere della Sera , dư luận và truyền thông Ý đang xao động về làn sóng tự sát của các chủ SME trên khắp cả nước.
Thật ra "dịch" tự sát đã bắt đầu bùng phát ở Ý kể từ khi khủng hoảng tài chính năm 2008 nổ ra. Ở vùng Veneto, ít nhất 50 chủ doanh nghiệp nhỏ và thợ thủ công đã tự sát kể từ năm 2008. Gần đây nhất, nhà thầu xây dựng Antonio Tamiozzo treo cổ tự tử hôm 1-1 tại nhà kho của công ty, nơi ông từng tuyển dụng hơn 30 công nhân. Trước đó, hôm 12-12-2011, một nhà thầu xây dựng khác là Giovanni Schiavon cũng tự bắn vào đầu ngay trong phòng làm việc của mình.
Vụ tự sát gây cú sốc lớn ở vùng Veneto bởi dù ông Schiavon mắc nợ đầm đìa, nhưng chính quyền cũng đang nợ ông khoảng 250.000 euro (326.000 USD). Nhưng đòi nhà nước thì khó, trong khi các ngân hàng ngày nào cũng đập cửa công ty ông đòi nợ. Vào dịp Giáng sinh, ông Schiavon đã phải sa thải một số lao động, và đến đầu năm mới 2012 thì không thể thưởng tháng 13 cho nhân viên.
Báo La Repubblica cho biết theo thống kê của Chính phủ Ý, số lượng vụ tự sát vì nguyên nhân kinh tế trong giai đoạn 2008-2010 đã tăng 24,6%, từ 150 lên 187 vụ. Số lượng vụ tự sát bất thành cũng tăng 20%, từ 204 lên 245 vụ. Tốc độ tăng này như cùng nhịp với một tốc độ tăng khác. Vẫn theo thống kê của chính phủ, năm 2011 ước tính có hơn 12.000 doanh nghiệp khắp cả nước đã phá sản. Năm 2010, con số này là 11.000 công ty, tăng 20% so với năm 2009. Phần lớn doanh nghiệp bị phá sản là các công ty vừa và nhỏ, có doanh thu hằng năm 2-10 triệu euro (2,6-13 triệu USD). Trang Presseurop cho biết chỉ riêng ở vùng Veneto, "cỗ máy tăng trưởng" của nước Ý trong những năm 1990, có hơn 6.000 SME tan vỡ trong hai năm qua.
Nỗi nhục phá sản
Trên Presseurop , nhà báo Ý Ferdinando Camon lý giải tình trạng tự tử hàng loạt ở vùng Veneto. "Đầu tàu tăng trưởng" Ý là khu vực công nghiệp hoá mạnh nhất trên cả nước, là nhà của hàng chục ngàn SME. Các cộng đồng dân cư ở đây sống rất gần gũi, ai cũng quen biết nhau, gia đình ông chủ chơi thân thiết với gia đình công nhân là chuyện bình thường. Do đó, sự phá sản là một gánh nặng khiến người chủ công ty bị cô lập, dẫn tới sự trầm cảm và dễ đi đến tự sát.
"Khi công ty rơi vào khủng hoảng, ông chủ cảm thấy tủi nhục khi không thể trả lương cho những lao động của mình và phải chứng kiến cảnh họ thắt lưng buộc bụng. Đó là nguyên nhân dẫn đến phần lớn các vụ tự sát ở đây: trong văn hoá lao động cần cù của các cộng đồng ở Veneto, việc phải sa thải lao động, đóng cửa công ty và tuyên bố phá sản bị xem là một nỗi nhục và thiếu trách nhiệm xã hội của chủ doanh nghiệp" - nhà báo Camon giải thích. Không loại trừ một số trường hợp tự sát là để "thể hiện chủ đích muốn tố cáo kẻ sát nhân là chính phủ, kẻ phải chịu trách nhiệm về các cái chết này".
Theo báo Anh Independent, dịch tự sát vì phá sản không chỉ diễn ra ở Ý mà còn cả ở Hi Lạp và Anh. Theo ước tính của Bộ Y tế Hi Lạp, tỉ lệ tự sát năm 2011 cao hơn 40% so với năm 2010.